Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Ngày bi tráng


Tháng Bẩy thường niên có một ngày suy tôn thương binh liệt sĩ từ sau năm 1930 ở phía bên chiến thắng - kiêu hãnh và sẻ chia mất mát. Đó là ngày bi tráng có phần nhỏ nhoi  so với lịch sử máu xương của dân tộc.

Có người hỏi: Các triều đại xưa có làm như nay?. Có đấy nhưng thời gian phủ bụi thành lãng quên. Cốt xương không riêng lẻ, công trạng  dồn miếu đình. Xã hội hóa đền ơn đáp nghĩa.

Có một lỗi đau mặc cảm. Trong dọc dài lịch sử, dân tộc tương tàn vẫn nhiều hơn số ngoại xâm bị tiêu diệt.

***
200 năm vào ra sông Gianh nước biếc, xương máu huynh đệ tương tàn sóng cuốn về bể Đông!

Nhưng thời đại hôm nay còn ghê hơn tất cả:  30 năm cực thịnh thói hung tàn. Một dân tộc vinh danh nồi da xáo thịt- quá tầm thường trong thời đại khát nhân văn??? Không phải đâu, lẽ oan cho đồng bào. Nhưng sự thật vẫn tràn lên nấm mộ, sự thật đó tỏa hương trong triệu triệu bàn thờ tử sĩ, thờ những người oan khuất đến ngàn sau?. Mẹ già hái trầu cau thắp hương hai đứa con bên hai chiến tuyến. Bi thương nhiều hơn kiêu hãnh là đây!



Ai mang đến? Trịnh Nguyễn phân tranh đi mở đất, bờ cõi Nam thăm thẳm đến rừng tràm. Trong cuộc chiến quân Thanh lại tương tàn huynh đệ; Giặc chạy dài, Nam giết Bắc vô tư. Những cuộc trả thù, giang hồ ân oán, vẫn bời bời trên xứ sở thương đau?

Ý thức hệ ư? Hay là vô ý thức, đồng bào gì mà chém giết tả tơi. Thắng nhốt thua, đọa đầy nhau đến chết, hận theo tàu xuống bể xa khơi, chạy theo đám viễn chinh xâm lược... Đàn cá biển Đông, ngọc trai to hạt, no máu xương họ hàng hậu duệ Mỵ Châu! Thù còn đó, nếu trở về xứ sở, chiếm quyền hành lại xáo thịt nồi da?.

Hèn hạ quá, các bên đều hèn hạ, khác xa người lính chiến của ngàn xưa. Thượng cẳng chân đã thay cho thượng võ- Rặt một đám tranh mồi chẳng xa cách súc sinh.



***
Đồng đội tôi có thể bị lãng quên, đã ngã xuống một thời chiến quân xâm lược Bắc. Họ đã chết nhiều hơn lần Bắc xâm thuở trước, trên chiến trường biên ải quá 1000 cây, họ chìm vào bể xanh sóng vỗ,... Xưa cha ông mình biết kiệm máu xương dân.

Đồng đội tôi trong cuộc viễn chinh, thân xác ngủ dưới vòm cây thốt nốt, máu bùn cát trên biển hồ Tôn- lê-sáp...Xương máu trở về cũng tạm phải lãng quên!

Cuộc chiến chống ngoại xâm và cuộc chiến tương tàn. Khúc bi tráng bên khúc xương người chết. Có nên hát những bài ca chiến trận, hay mỉm cười chua chát thì hơn?


Nay vũ khí chiến tranh, mỗi ngày nâng cấp, những người lính lại quên mình vì Tổ quốc. Xâm lăng còn nội ngoại đất nước ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét